Thời kỳ giữa trị vì Diêu_Hưng

Khoảng tết năm 402, Bắc Ngụy tấn công Một Dịch Can (沒奕干), một chư hầu của Hậu Tần, điều này đã dẫn đến đổ vỡ trong mối quan hệ giữa Bắc Ngụy và Hậu Tần. Khi hoàng đế Bắc Ngụy Thác Bạt Khuê muốn có mối quan hệ hôn nhân với Hậu Tần, Diêu Hưng đã từ chối do hành động tiến công khi trước và do ông nghe rằng hoàng đế Bắc Ngụy đã có chính thất là Mộ Dung Hoàng hậu. Vào mùa hè năm 402, đích thân Diêu Hưng đã dẫn quân đánh Bắc Ngụy, đã có thời điểm chiến sự diễn ra trên toàn bộ lãnh thổ Hậu Yên ở phía bắc của Hoàng Hà. Vào mùa thu năm 402, hoàng đế Bắc Ngụy đã bao vây tướng chỉ huy tiên quân của Hậu Tần là Diêu Bình (姚平) tại Sài Bích (柴壁, nay thuộc Lâm Phần, Sơn Tây), và bất chấp việc phản công của cả Diêu Bình và Diêu Hưng, quân Bắc Ngụy bao vây ngày càng chặt, và đến mùa đông năm 402, Diêu Bình cùng quân lính đã bị bắt sau một nỗ lực phá vây, chiến dịch đánh Bắc Ngụy của Diêu Hưng cũng chấm dứt.

Cũng trong năm 402, Diêu Hưng lập Trương thị làm Hoàng hậu. Ông cũng lập Diêu Hoằng làm Thái tử và phong tước công cho các hoàng tử khác. Diêu Hưng từ lâu đã muốn lập Diêu Hoằng, người này được mô tả là tử tế, biết yêu thương, và hiếu học, song ông do dự vì Diêu Hoằng là một người có tính cách yếu ớt và dễ đổ bệnh.

Trong khoảng thời gian này, Diêu Hưng cũng đã trở thành một Phật tử sùng đạo, dưới ảnh hưởng của nhà sư Cưu Ma La Thập. Điều này đã có một ảnh hưởng lớn đến các hành động của ông sau đó, ví như ông tránh các hành động có thể dẫn đến nhiều chết chóc, trong khi cố gắng hành động nhẹ nhàng với các đối thủ. Điều này đã có ảnh hưởng tai hại cho đế quốc, việc mở mang bờ cõi đã gần như dừng lại. Năm 405, ông ban cho Cưu Ma La Thập một tước hiệu tôn kính, coi ông ta như một vị thần thánh, và thường dẫn các quan lại đến nghe Cưu Ma La Thập giảng đạo. Theo yêu cầu của ông, Cưu Ma La Thập đã dịch trên 300 kinh Phật sang tiếng Hán. Diêu Hưng cũng cho xây nhiều tháp và chùa. Do ảnh hưởng của ông, sử sách chép rằng có đến 90% dân cư Hậu Tần trở thành Phật tử.

Năm 403, nước Hậu Lương liên tục bị Bắc Lương và Nam Lương tấn công, Lã Long đã từ bỏ vùng Cô Tang cho Hậu Tần, đây là vùng lãnh thổ duy nhất mà Hậu Lương còn lại và do vậy Hậu Lương đã chấm dứt tồn tại. Diêu Hưng đưa Lã Long và gia tộc của ông ta đến Trường An và lập vị vua cũ của Hậu Lương cùng em trai Lã Siêu (呂超) lãm quan. Tuy nhiên, do Bắc Lương và Nam Lương chỉ là chư hầu trên danh nghĩa, Cô Tang trở thành một ốc đảo nằm dưới sự kiểm soát trên thực tế của Hậu Tần. Năm 404, vua Thốc Phát Nục Đàn của Nam Lương chấm dứt việc xưng vương và sử dụng niên hiệu của Diêu Hưng, nhằm thể hiện hơn nữa sự khuất phục trước Hậu Tần, mặc dù vậy, ông ta vẫn độc lập trên thực tế trong nội bộ Nam Lương.

Năm 405, theo yêu cầu của tướng Lưu Dụ của nhà Tấn, Diêu Hưng đã trao trả 12 quận đã từng đổi lòng trung thành từ Tấn sang Hậu Tần trong thời nội chiến Tấn từ 398 đến 405, bất chấp phản đối từ các triều thần.

Năm 406, để đáp lại việc Thốc Phát Nục Đàn nộp triều cống 3.000 ngựa và 30.000 cừu, Diêu Hưng đã cảm kích đến nỗi nhường Cô Tang cho Thốc Phát Nục Đàn, chấm dứt sự kiểm soát trên thực tế của Hậu Tần với vùng Cô Tang.

Năm 407, cho rằng Khất Phục Càn Quy đã trở nên khó kiểm soát, nên khi người này đến Trường An để thăm viếng, Diêu Hưng đã đưa Khất Phục Càn Quy trở thành một quan văn, còn quyền chỉ huy quân lính của ông ta thì giao cho thế tử Khất Phục Sí Bàn.

Sau đó cũng trong năm 407, Hậu Tần và Bắc Ngụy đã chấp thuận hòa hoãn, trao trả các tướng bị bắt cho bên kia. Tướng Lưu Bột Bột (sau đổi thành Hách Liên Bột Bột) của Hậu Tần, là người sau đó phụ trách Sóc Phương (朔方, nay thuộc Ordos, Nội Mông); do cha ông ta là Lưu Vệ Thần (劉衛辰) đã bị quân Bắc Ngụy giết chết vào năm 391, nên Bột Bột trở nên giận dữ và tuyên bố nổi loạn, lập nên nước Hạ. Lưu Bột Bột dùng kế sách du kích để chống lại Hậu Tần, gây tổn hại cho quân và các thành của Hậu Tần. Từ thời điểm này, Hậu Tần bắt đầu suy sụp.